ads top

Fatima - Kỷ niệm 100 năm con về bên Mẹ


FATIMA – KỶ NIỆM 100 NĂM

CON VỀ BÊN MẸ


PARIS - PHÁP



Thế là chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay Paris-Charles-de-Gaulle sau một hành trình đường hàng không dài suốt 13h30' chia thành 2 chặng, quá cảnh tại Abu Dhabi (thủ đô Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) . Sân bay Paris-Chauhrles-de-Gaulle là sân bay quốc tế lớn nhất nước Pháp, đồng thời là một trong những trung tâm hàng không chính của thế giới. Sân bay mang tên Charles de Gaulle (1890–1970) Tổng thống Pháp từ năm 1959 đến 1969. Sân bay nằm cách thủ đô Paris 25 km về phía đông bắc, đóng vai trò là trạm trung chuyển chính của Air France và là trạm trung chuyển châu Âu.

Đoàn chúng tôi gồm tới 41 thành viên trong đó có 10 linh mục. Miền Bắc chỉ có mình tôi, chín linh mục đến từ miền Trung và miền Nam là:

Linh mục Giuse Phạm Công Trường - trưởng đoàn.

Linh mục Nguyễn Thanh Liêm

Linh mục Nguyễn Văn Thượng

Linh mục Daminh Nguyễn Văn Hiệp

Linh mục Minh Đặng Chung

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thắng

Linh mục Nguyễn Văn Phước

Linh mục Antôn Lâm Văn Hân

Linh mục Daminh Nguyễn Viết Công.


Chúng tôi đáp xuống Ga 1 thiết kế theo phong cách avant-garde, là tòa nhà mười tầng lầu hình trụ tròn vây quanh bởi 7 tòa nhà vệ tinh khác, mỗi tòa nhà có sáu cửa khẩu cho ánh sáng tự nhiên chiếu vào thông qua hệ thống thông khí. Bảy tòa nhà vệ tinh xung quanh kết nối với tòa nhà chính bằng hệ thống đường ngầm. 

Ga 1 nhìn từ trên cao giống hình một con bạch tuột. Đó là ý tưởng của nhà thiết kế Andreu, ông cũng là người tham gia mở rộng sân bay, tạo đà cho các thế hệ tiếp theo.

Chúng tôi nhận ra rằng hiện đoàn đang ở vị trí một trong bảy nhà vệ tinh và đang di chuyển đến tầng hai của tòa nhà chính để thực hiện các thủ tục hải quan và nhận hành lý. Mỗi tầng lầu trong tòa nhà trung tâm này phục vụ một mục đích khác nhau. Tầng thứ nhất dùng cho các chức năng kỹ thuật. Ở tầng thứ hai là các cửa hàng và nhà hàng và các quầy check-in thêm vào sau đợt nâng cấp mới đây. Phần lớn các quầy check-in nằm trên tầng ba; khách hàng còn có thể lên tầng này bằng xe taxi, xe buýt hoặc phương tiện khác bằng hệ thống đường nâng. Khách chuẩn bị khởi hành sẽ lên tầng bốn; tại đây có các cửa hàng miễn thuế, các chốt cửa khẩu.

Nhìn tổng thể thì sân bay có ba ga. Ga 1 là ga hoạt động sớm nhất. Ga 2 ban đầu chỉ dành riêng cho Air France; tuy nhiên đã được mở rộng đáng kể và hiện đang phục vụ nhiều hãng hàng không khác. Ga 3 phục vụ các hãng hàng không giá rẻ hoặc bay thuê chuyến. 

Rời sân bay Paris-Charles-de-Gaulle chúng tôi hướng tới Paris được mệnh danh là "Kinh thành ánh sáng". Mà cũng thật đúng với chúng tôi, lúc này là 9h, nắng vàng chan hoà trên một đất nước đầy ánh sáng. Không gian kiến trúc đã "diễm" lại càng "lệ" hơn! 

45 phút trên đường ngoại ô Paris, cảnh quan yên tĩnh và trong lành. Mầu xanh của cây bóng mát bên đường không chắn tầm mắt mà vút cao như vẫy gọi một không gian đầy ắp không khí thoáng đãng lung linh ánh nắng vàng dịu của mặt trời.

Vành đai Paris xuất hiện những kiến trúc kiểu Pháp đã trở thành một thương hiệu đặc thù đối với Việt Nam. Tuy nhiên những cư dân từ Ấn Độ, từ Băng-la-đét... từ nhiều thế hệ đã nhập cư chung sống, đan xen vào không gian những nét kiến trúc ngoại lai. 

Đi vào kinh thành ánh sáng mới thấy đặc nét của Paris. Một không gian kiến trúc đồng bộ vừa cổ kính vừa quy mô lại vừa hiện đại hiện ra trước mắt chúng tôi.

Khải hoàn môn Paris đây rồi, một biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp, ở vị trí giao điểm của 5 con đường lớn ở Paris, giống như một ngôi sao 5 cánh lớn hình thành nên quảng trường Étoile. Hoàng đế Napoléon đã cho xây dựng Khải hoàn môn cao 50m rộng 45m ở đây để kỷ niệm sau chiến thắng vĩ đại tại Austerlitz. Nghệ thuật điêu khắc tại Khải hoàn môn được coi là tổng thể công trình điêu khắc lớn nhất của Pháp vào thế kỷ XIX. Những tác phẩm điêu khắc lớn mang tên: Xuất quân, Kháng chiến, Khải hoàn, Hoà bình, đều cao 11,6m, rộng 6m khắc họa trên hai mặt chính của Khải hoàn môn. Người ta không đi qua nó nhưng đi vòng quanh nó. Nó là niềm tự hào của người Pháp. Du khách muốn đến tận nơi để chiêm ngắm, phải đi theo đường ngầm dưới quảng trường để vào giữa, họ có quyền mua vé để lên cao đỉnh Khải hoàn môn. Từ đây người ta ngắm nhìn bao quát quảng trường và nhìn dọc suốt đại lộ Champs-Élysése. Đây là một con đường lát đá hình vuông, từng mảnh chỉ bé bằng một lá bài, đã được kỳ công ghép thành đại lộ này từ thế kỷ XVIII. Đại lộ Champs-Élysése không chỉ hoành tráng về không gian vì là đại lộ dẫn đến Khải hoàn môn, nhưng còn hùng tráng vì toát lên lịch sử oai hùng từ thời Đại đế Napoléon. Đại lộ này xanh mát ban ngày, rực sáng ban đêm, là nơi cuốn hút khách du lịch và là điểm tổ chức các lễ hội, chào đón năm mới. 

Tháp Eiffel, biểu tượng và niềm tự hào của nước Pháp
Hòa cùng dòng người, chúng tôi tiến về tháp Eiffel là biểu tượng và niềm tự hào của nước Pháp. Tháp được xây dựng vào năm 1889 để kỷ niệm 100 năm Cách mạng tư sản Pháp. Tự bản thân nó cũng đã là một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong kỹ nghệ luyện thép, nó phải vượt qua sự chống đối kịch liệt từ mọi phía, đặc biệt là từ giới văn nghệ sỹ. Cuối cùng quyết định được trao cho Eiffel, một kỹ sư 36 tuổi tài ba. Ông thiết kế tháp cao 300m, chia thành 3 tầng, đáy tháp tựa vững trên 4 chân trụ chiếm diện tích 129m2. Tập trung tại cửa soát vé, đoàn đã sẵn sàng để lên tầng hai của ngọn tháp, nhưng một sự cố an ninh đã buộc tháp Eiffel đóng cửa, đoàn chỉ có một lựa chọn chụp ảnh chung từ một góc độ tốt nhất bên dòng sông Seine lấy phông là toàn cảnh ngọn tháp đang vươn mình trong ánh sáng rực rỡ.

Và dĩ nhiên tiếp theo là sông Seine. Con tàu chuyển động đưa du khách dọc con sông đẹp nhất châu Âu. Thật tuyệt vời vì khi xuôi dòng, sông Seine được sánh ví như trái tim của thủ đô Paris, 35 cây cầu là 35 tác phẩm nghệ thuật nối liền hai bờ sông Seine thơ mộng. Không một cọng bèo, không một rác bẩn, dòng sông xanh trong luôn mơn man trìu mến hàng vạn du khách quốc tế. Cứ trung bình mỗi ngày 300 lượt khách về đây thì trong một tháng đã có 9 ngàn người xuôi ngược trên dòng sông Seine. 

Lấy đảo Il de la Cité làm trung tâm, tàu đưa khách du lịch đi quanh đảo một vòng rồi trở về bến. Hai bên bờ sông hiện lên những công trình đã hàng trăm năm nhưng vẫn vững bền với thời gian về đường nét kiến trúc, về hoa văn cổ mà phải kính, về màu tự nhiên hàng trăm năm chỉ cần rửa lại sáng. 

Sông Seine đẹp nhất châu Âu

Viện bảo tàng, tháp Eiphel, tháp biệt thự, tháp nhà thờ và đặc biệt là Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) nổi lên như nữ hoàng giữa các cung nữ Paris. 

Nhà thờ Đức Bà Paris (nhìn từ sông Seine)

Vẻ đẹp đồng bộ, vẻ đẹp thế kỷ lưu truyền, vẻ đẹp đặc thù văn minh truyền thống là những ngôn ngữ nổi bật nơi đây. Một góc độ nào đó, người ta nhận ra nhân cách của mỗi quốc gia qua ngôn ngữ của kiến trúc, đặc thù của nền văn hoá truyền thống, trật tự nơi công cộng, cung cách ứng xử từ hè phố, quán bar tới công viên, công sở. 

Thật là trùng hợp ngẫu nhiên khi nhớ lại năm 2005, tôi đã được tới Nhà thờ Đức Bà Pairs diễm lệ, đặt chân lên mốc số không của Paris được xác định tại sân tiền đường của vương cung thánh đường này. Đây là trung tâm của thủ đô Paris được đánh dấu bằng ngôi sao 8 cánh. Một điểm nhấn quan trọng như thế nên nó được khoác lên một quan niệm rằng ai đặt chân lên đây sẽ có cơ hội trở lại Paris lần thứ hai. Ít nhất tới giờ phút này nó đã đúng đối với tôi! 

Từ vị trí này, bạn không thể lấy được hết chiều cao ngọn tháp nhà thờ, vì nhà thờ cao tới 69m. Đã có khoảng không gian rất rộng để bạn có thể lui ra rất xa để lấy toàn cảnh hoặc để xếp hàng vào nhà thờ. 


Toàn cảnh nhà thờ Đức Bà Paris


Thay vì thợ chụp ảnh như một số điểm du lịch, ở đây có một vài họa sĩ đường phố, sẵn sàng vẽ chân dung cho bạn bằng đường nét đặc tả. Bạn chịu khó ngồi nghiêm cho họa sĩ ngắm, trả lời vài câu hỏi đề tên cho nét ký họa rồi trả tiền cho họa sĩ 20 Euro một tấm hình, nhưng nếu bạn chỉ cố tình trả 10 Euro thì họa sĩ cũng vẫn "bằng lòng".

Chúng tôi hạnh phúc vì bước vào Nhà thờ vào đúng giờ Chầu Mình Thánh Chúa. Lòng nhà thờ kiến trúc theo lối gothique vút cao, rực rỡ ánh sáng của kính màu nghệ thuật vốn đã nổi tiếng thế giới, nhưng giờ chầu thánh thiêng không cho phép chúng tôi chiêm ngắm kỹ. 

Tiếng đàn Đại phong cầm du dương nhất nước Pháp nổi lên, trầm hùng trong nhạc nền suy niệm, du dương hoà nhạc theo lời ca, vỡ oà trong cao trào của lòng sốt sắng. Một vài người không rõ du lịch hay hành hương quay về phía sau, ngước nhìn lên gác đàn để không chỉ được thưởng thức mà còn muốn để được chiêm ngưỡng cây đàn nữa. Chúng tôi bước đi trong mệt mỏi về thể xác nhưng hân hoan của tâm hồn.

Buổi chiều đoàn đi tàu điện lên đồi Montmartre, đến viếng thăm và dâng lễ tại Vương cung thánh đường Sacre-Coeur tọa lạc trên đỉnh đồi ở độ cao 129m so với mặt biển. Toàn cảnh thành phố Paris hiện ra dưới chân đồi. Nhà thờ thiết kế theo phong cách La Mã Byzantine. Vòm chính có đường kính 16m vươn cao 55m. Nhìn từ tiền sảnh nhà thờ là một tổng thể các góc cạnh và đỉnh dome vươn cao. Đỉnh cao nhất là 83m. Một vài thành viên trong đoàn đã tranh thủ leo lên tháp cao để xem quả chuông được coi là lớn nhất nước Pháp, quả chuông có đường kính 3m nặng gần 19 tấn (18.835kg).


Vương cung thánh đường Sacre-Coeur trên đỉnh đồi Montmartre

Đoàn được dâng lễ tại tầng hầm của Vương cung thánh đường. Thời gian dâng lễ cần được ấn định để không choán thời gian của đoàn khác. Hậu cung của Vương cung thánh đường là nơi chầu Mình Thánh Chúa đêm ngày, nơi đây thể hiện đúng những dòng chữ treo trước cửa nhà thờ: "Depuis plus de 125 ans, ici jour et nuit qu'elqu'un prie le Seigneur. Venez adorer Le Seigneur" - "Từ hơn 125 năm nay, nơi đây ngày và đêm người người đến cầu nguyện với Chúa, hãy đến thờ kính Chúa".

Hành trình Paris - Lisieux là 204 km, đoàn hành hương đến với quê hương của chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chị thánh của "Con đường thơ ấu thiêng liêng". Người ta thống kê số khách đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris chỉ bằng 2/3 số khách hành hương đến Lisieux và Lộ Đức (Lourdes). Theo nghĩa du lịch, đến các địa danh này là khám phá chiều sâu của nước Pháp. Theo nghĩa hành hương, đến với Lộ Đức là đến với mầu nhiệm của lòng thương xót và đến với Lisieux là để học với chị thánh con đường thơ ấu thiêng liêng. Nếp sống đơn sơ khiêm nhường của chị thánh vẫn là nền tảng kiến tạo hạnh phúc cho thế giới hiện đại hôm nay, vì trong chiều hướng phức tạp của văn minh đa diện, con người trở nên mệt mỏi hơn, xuất hiện những căn bệnh xã hội như stress, bệnh trầm cảm và nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô là thế giới vô cảm. Trở về với cuộc sống yên tĩnh, hài hoà với thiên nhiên cũng là nếp sống của người Pháp. Người ta về Paris làm việc nhưng cuối tuần về nhà tại vùng ven đô cách xa có khi vài trăm km.

Xe của đoàn hành hương đi ngược chiều xoáy trôn ốc để ra ngoại ô. Nhờ hệ thống giao thông đặc thù này mà thủ đô Paris không bị cắt nát bởi những cầu vượt chồng chéo vốn thấy trong các nước đang phát triển. Xe tiến về vùng Normandie xanh mát và yên tĩnh, đến với Lisieux vùng quê yên tĩnh và thơ mộng. Những ngôi nhà từ hai thế kỷ nay vẫn tọa lạc yên bình giữa những đường phố uốn lượn và đan xen bên những thảm cỏ được xén phẳng như sân thể thao. Tại một điểm dừng chân bên đường, tôi quan sát thấy nhân viên ở đây không phun thuốc diệt cỏ độc hại như Việt Nam nhưng dùng một loại máy xách tay phun khí nóng đốt cháy luôn những cỏ dại mọc lẫn trong bồn cây cảnh, một phương pháp khoa học và bảo vệ môi trường tối ưu.

Không phải vô cớ mà trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870), quân Phổ đã về tận Lisieux để săn lùng những giống ngựa cao to, chỉ đứng bình thường đã cao tới 1,7m và chỉ có ở vùng này. Rồi chiến tranh thế giới thứ hai đã tàn phá khá nhiều những ngôi nhà cổ kính đáng trân trọng kia. Tại Lisieux, chiến tranh tàn phá hết những ngôi nhà quanh tu viện Carmel của Lisieux, nơi thánh nữ Têrêsa đã từng sống, nhưng tu viện vẫn gần như còn nguyên vẹn. Những người cao tuổi sinh sống tại đây đã chứng kiến và coi đó như một phép lạ.

Đường xa được rút ngắn lại không chỉ do vận tốc cao của các tay lái xe car điêu luyện, nhưng còn bằng lời kinh tiếng hát và những chia sẻ của đoàn hành hương. Anh Giuse Trần Văn Ngôn khởi hành từ Bến Tre chia sẻ, anh là dân ngoại nhưng lại thao thức đi hành hương, mong học hỏi được thêm đạo và thêm ơn phúc. Thật ra anh là tân tòng, lãnh bí tích hôn phối cách đây đã 28 năm. Anh Giuse Trần Ngọc Sơn, khởi hành từ giáo xứ Bến Hải cũng tâm sự, anh có đủ điều kiện để đi theo đoàn du lịch, nhưng anh muốn đi với đoàn hành hương để cảm nghiệm lòng tin chứ không phải đi ăn chơi hưởng thụ. Nhiều các mẹ trong đoàn cũng bày tỏ nỗi lòng: Thoạt đầu nghĩ đến hành hương ngoại quốc, ai cũng thấy ngại vì phải xa nhà nơi hải ngoại, vất vả trên lộ trình, nhiều lo lắng và thách đố... nhưng cuối cùng, đến với Mẹ là an bình và hạnh phúc, là tình yêu Thiên Chúa vượt trên tất cả.

Xe dừng trước Vương cung Thánh đường thánh Têrêsa. Đây là công trình lớn nhất thế kỷ XX, khởi công từ năm 1929 cho tới năm 1954 mới hoàn thành. Theo kinh nghiệm, tôi vội ghi hình Vương cung Thánh đường từ xa để có thể nhìn tổng thể, vì với chiều cao 104m, ngang 50m thì ống kính nào đến gần cũng chỉ ghi được từng mảng khối.

Vào trong Vương cung Thánh đường, chỉ nguyên lòng giữa nhà thờ đã rộng 30m vươn cao 95m, đoàn chỉ vào tầng hầm và dâng lễ tại nguyện đường ở gian kế bên. Thánh lễ trở nên ý nghĩa và ơn phúc vì vào chính ngày kỷ niệm 7 năm của cha Antôn Lâm Văn Hân. Niềm hân hoan xúc động của cha cũng là tâm tình chung của cả đoàn. 


Tầng hầm của Vương Cung Thánh Đường thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu

Sau thánh lễ, chúng tôi đến thăm tu viện carmel tại Lisieux, đây là nơi phần mộ của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, phía trên mộ, tượng thánh nữ bằng sáp trong đó có một phần di hài của thánh nữ, tượng này cũng được du hành qua những quốc gia sùng mộ thánh nữ, đôi khi kéo dài tới một vài năm rồi lại trở về. Tượng mô tả trạng thái ra đi của thánh nữ: tay phải khẽ buông xuống, tay trái vẫn ôm Thánh giá trên ngực giữa những bông hồng tượng trưng tình yêu nồng cháy đối với Chúa và lời hứa mưa hoa hồng xuống cho trần gian của thánh nữ. Tượng được đặt trong Nhà nguyện của tu viện. Năm 2005 tôi được viếng thăm nơi đây thì mọi người phải vào hẳn trong nhà nguyện mới được kính viếng thánh nữ, nhưng sau 12 năm, nay trở lại thì một bức ngăn bằng gỗ đã được lắp dựng để biệt riêng phần mộ tách ra phía ngoài, nhờ đó ai cũng có thể đến kính viếng thánh nữ mọi giờ, đáp ứng được lòng sùng mến ngày càng lớn của các đoàn hành hương trên khắp thế giới.


Tu viện carmel tại Lisieux

Chị thánh Têrêsa đã từng ước mong sang Việt Nam. Chị ước mong không phải đi khám phá nhưng là đi truyền giáo. Chị đã không có cơ hội thực hiện được ước nguyện nhưng các cha thừa sai đã hiện thực những ước mong của chị. Chúng tôi đến thăm MEP, (Mission Etrangères de Paris) trung tâm của hội Thừa sai truyền giáo Paris. Trên lộ trình, đoàn lại có cơ hội đi dọc sông Seine, nhưng là theo đường bộ. Những cây cầu sắt duyên dáng vắt qua sông vừa phô diễn nghệ thuật kiến trúc hiện đại vừa phản ánh kỹ thuật chính xác tối đa, sự chính xác khởi đi từ tháp Eiphel, kiệt tác của nền văn minh Pháp. 

Trung tâm nhà MEP đây rồi! Hai toà nhà khép kín một góc vuông nhìn ra một không gian không lớn nhưng thoáng đãng và trải rộng dưới những hàng cây. Nơi đây đã đào tạo nên những Thừa sai từng tâm huyết sang Việt Nam truyền giáo, từng viết lên trang sử mới cho Giáo hội Việt Nam. Những tên tuổi lớn như cha Alexandre de Rhode không chỉ để lại dấu ấn truyền giáo tại Việt Nam, nhưng còn là khởi đầu sáng tạo cho nền văn hoá Việt Nam. Ngày nay, MEP vẫn tiếp tục đào tạo nên những giáo sỹ trí thức cho Giáo hội Việt Nam. Như gần đây nhất là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, tổng giáo phận Huế, đã trưởng thành từ đây với văn bằng tiến sĩ triết học.

Thánh lễ chúng tôi dâng tại nguyện đường của nhà MEP do cha Phlipphe Đặng Chung chủ tế. Cha đã nhấn mạnh nơi đây là chiếc nôi của Giáo Hội và của các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Ta về đây để tri ân và cầu nguyện cho các thừa sai truyền giáo hiện tại và tương lai. Tôi chợt nhận ra cách bài trí gian Cung Thánh của Nguyện đường này không có gì nghệ thuật hay đặc sắc nhưng lại mang một ý nghĩa rất lớn và rất thâm thuý, gần gũi với triết học đông phương: Bàn thờ vuông tượng trưng trái đất, Thánh giá đặt giữa sáu cây nến lớn quy thành một vòng tròn tượng trưng trời tròn được đặt trước Bàn thờ. Giảng đài đặt dưới quay lên vừa đối diện vừa đối xứng với bàn thờ qua Thánh Giá. Hiểu theo nghĩa thần học: Thánh giá là trung tâm nối trời và đất, Lời Chúa và Mình Chúa khởi từ hiến tế tình yêu cứu độ của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Với ý nghĩa và cách bài trí này, những ai tham dự thánh lễ đều thấy mình đang được mời gọi hiệp thông cách tích cực nhất.


Thánh Giá là trung tâm tại Cung thánh MEP

Chúng tôi qua nhà thờ Notre Dame de la Medaille Miraculeuse nơi Đức Mẹ chỉ dạy ảnh mẫu cho thánh Catharina de Laboure, với lời hứa "Tất cả những ai mang nó sẽ lãnh nhận được các ơn". Ảnh mẫu đó hình bầu dục, Đức Mẹ duỗi thẳng tay giữa bầu sáng bao quanh với dòng chữ: "Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ", và mặt sau có chữ M, trên có Thánh giá và dưới có hai Trái tim, một Trái tim bị quấn gai và Trái tim kia bị lưỡi gươm đâm thâu qua, chỉ Trái tim Chúa Giêsu và Trái Tim đau khổ Đức Mẹ Maria. Mười hai ngôi sao chỉ mười hai nhân đức của Đức Mẹ tạo thành viền ảnh xung quanh. 

Đoàn tiến ra ga tàu TGV ( train grand vite) để đáp chuyến đi Lộ Đức (Lourdes). Từ Paris đi Lộ Đức quãng đường dài 1800km tàu TGV chạy với vận tốc 300km/h chỉ mất thời gian 6 tiếng.

Và giờ đây chúng tôi đã được dừng bước trước Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Lộ Đức. Một nhà thờ vươn cao trên ngọn đồi ở chính nơi Đức Mẹ muốn và đã chỉ cho chị Benadette. Nhà thờ mang phong cách Gothique thâm trầm và sắc nét, có đường vòng cung trải dài từ mặt tiền nhà thờ tới mặt đất, một nét phác họa theo thiết kế quảng trường Phêrô tại Roma nhưng là một vòng cung tạo nên con đường dốc như hai cánh tay Mẹ hiền dẫn con thơ từng bước lên đền của Mẹ. Thật ra ngôi nhà thờ này là ngôi nhà thờ thứ hai xây trên chính nền mở rộng của nhà thờ thứ nhất và được gọi là Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nhà thờ thứ ba mang tên Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Mân Côi mới được xây dựng, là Nhà thờ tầng hầm khánh thành ngày 25/3/1958. Dome dát vàng của nhà thờ này nổi bật với mặt tiền của Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm.


Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Lộ Đức

Chúng tôi hạnh phúc được dâng thánh lễ tại chính Nhà thờ đỉnh đồi nơi Mẹ chỉ định, tiếp theo là viếng hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra. 

Pho tượng bằng người thật được đặt chính nơi Đức Mẹ hiện ra, giản dị như hang đá ngàn năm nhưng sức cuốn hút tới toàn thế giới. Từng đoàn người xếp hàng dọc nhà thờ tiến dần về hang đá của Mẹ. Từng khối đá trong hang trở nên sáng bóng do các đoàn hành hương khắp thế giới lần lượt đụng chạm tới ở khoảng cách ngay dưới chân Mẹ đứng. Nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần với chị Bernadette, Mẹ đã tỏ ý muốn xây ngôi đền thờ tại nơi này, Mẹ đã xưng mình "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội". Trước hang đá là những hàng ghế cầu nguyện. 


Hang đá Macabielle nơi Đức Mẹ hiện ra tại Lourdes

Trong im lặng, mọi nỗi thống khổ của con cái Mẹ khắp năm châu được dâng lên. Mẹ cũng im lặng lắng nghe và âm thầm ban ơn theo mức độ lòng tin của những hối nhân, bệnh nhân trong tâm hồn, ngoài thân xác tuôn đến với Mẹ. Nến lung linh đêm ngày thắp sáng, những ngọn lửa bập bùng trên ngọn nến như thay cho những lời cầu nguyện, xa hơn nữa là tượng trưng cho lòng mến yêu con cái bốn phương dâng lên Đức Mẹ. Dưới ngọn lửa cháy là thân nến chảy tả tơi, tượng trưng những hy sinh, từ bỏ cần có để ngọn lửa tình yêu được thắp sáng mãi. 

Đó cũng còn là những bệnh nhân khắp thế giới về đây dâng những tật nguyền bệnh nạn cho Đức Mẹ. Họ uống nước từ mạch tinh khiết do chị Bernadette khơi lên theo hướng dẫn của Đức Mẹ. Mạch vẫn tuôn chảy như dòng thời gian xuyên suốt mọi thời đại. Người ta tạo nên những vòi nước dọc suốt nhà thờ và kéo dài tận phía sau để đáp ứng nhu cầu lấy nước ngày càng đông của khách hành hương. Các bệnh nhân và những ai khao khát đều được dìm mình trong nước suối Lộ Đức, tuy nhiên cần phải tuân thủ theo giờ và theo sắp xếp của ban quản lý trung tâm. Dòng nước mát lạnh thấm vào da thịt nhưng nhất là thấm vào tâm hồn những người tin.

Thánh lễ thường được cử hành cuối buổi sáng vào 11 giờ và cuối ngày vào 23h. Lời kinh Mân côi tiếp nối thời gian còn dòng người đi kiệu nối dài niềm tin và ơn phúc. Cánh đồng cỏ chăn chiên của Bernadette trải dài theo quảng trường rộng lớn. Khách hành hương còn đi xa hơn, đến tận ngôi nhà của chị thánh ở gần đó, nơi chị đã từng sinh ra và sống tại đây mười năm. Ngôi nhà này thực chất là nhà kho của một nhà máy xay bột bị phá sản, và người ta đã cho gia đình cha mẹ của chị thánh ở nhờ. Trong khó nghèo, chị vẫn sống hạnh phúc và trong đời sống của một thôn nữ chăn chiên, chị đã thu hút tới quảng trường Lộ Đức này những đàn chiên của Chúa từ khắp mọi miền thế giới.

Được tham dự buổi tối rước kiệu tại Lộ Đức, chúng tôi càng thấm thía hơn điều đó. Khoảng 3 - 4000 người tham dự buổi rước kiệu, mà đây chỉ là một buổi rước thường ngày nhưng lúc nào cũng đủ thành phần đến từ các nước, từ quốc kỳ tới ngôn ngữ và y phục. 


Buổi tối rước kiệu tại Lộ Đức

Đặc biệt là kinh mân côi được đọc trực tiếp qua nhiều thứ tiếng. Thật cảm động khi có cả tiếng Trung Quốc được cất lên do đại diện đoàn hành hương theo thứ tự lên đọc, đoàn kiệu do chính Đức giám mục ban phép lành kết thúc. Dòng người trở về trong an bình và hân hoan. Chúng tôi chợt hiểu tại sao Đức Mẹ lại mong xây một đền thờ và kêu gọi hành hương rước kiệu. Một Giáo Hội hiệp nhất như một ngôi Đền thờ trong đó mỗi người là một viên đá sống động, xây nền tảng trên các tông đồ, và viên đá chóp đỉnh là chính Đức Kitô, một Giáo hội lữ hành đang trên đường tiến về Nhà Cha như đang được phản chiếu thật sống động nơi đây. 

Rời Lộ Đức, đoàn chúng tôi tiến về miền Tây Nam nước Pháp, đến với Toulouse, giáp giới Tây Ban Nha, thăm ngôi nhà thờ Basilique Saint-Sernin được xây dựng từ thời trung cổ theo phong cách Roman, với một tháp chuông khổng lồ tạo nên một không gian nhiều góc cạnh nghệ thuật.

Không gian yên tĩnh, những ngôi nhà cổ ẩn mình sau những hàng cây, dòng sông đào chảy dọc giữa hai đại lộ tạo nên đường thủy thuận tiện cho vận tải từ thời trung cổ. Giữa nền văn minh hiện đại, Toulouse vẫn giữ được nét cổ đáng yêu. Đối với đoàn chúng tôi, Toulouse là chặng đường cuối để từ đây chúng tôi đáp chuyến bay tới Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, đất nước của địa danh Fatima đã được Đức Mẹ hiện ra tròn trăm năm từ 13/5 đến 13/10/1917.


Nhà thờ Basilique Saint-Sernin

Chuyến bay cất cánh. Đoàn rời xa Paris theo tốc độ của máy bay mỗi lúc một nhanh. Tạm biệt Paris với nhiều kỷ niệm ấn tượng, ân phúc và bình an. Vẫn còn lại đó những địa danh nước Pháp nổi tiếng như điểm hành hương xứ Ars, điểm du lịch tháp Eiffel... không phải đoàn không có chương trình đến thăm ngọn tháp nổi tiếng thế giới này, nhưng đến vào đúng lúc có báo động đỏ của cảnh sát nên phải từ bỏ. Nguyên nhân là có một gói hành lý vô thừa nhận, cảnh sát an ninh nghi ngờ và thận trọng báo động, mọi hành khách phải giải tán hết. Dĩ nhiên là buổi chiều tháp lại mở cửa lại nhưng đoàn không còn giờ nữa. Tình trạng siết chặt an ninh của Pháp không có gì phải ngạc nhiên, vì cuộc khủng bố bằng xe tải khiến 84 người thiệt mạng dưới chân tháp Eiffel vẫn còn mới nguyên đó. Khủng bố là nỗi đau của cả nhân loại và Pháp là một trong những nước lớn trên thế giới đang phải đương đầu. Tại quảng trường Concorde nổi tiếng, hôm trước đoàn vừa đi qua, hôm sau có thông tin một tài xế lái xe đâm vào cảnh sát, tên này bị bắn chết và khi cảnh sát kiểm tra thì trên xe có súng và thuốc nổ.

Điểm hành hương xứ Ars thánh thiện tốt lành nhưng thuộc về Lyon nằm hẳn về phía Bắc nước Pháp, đoàn không thể có thêm hai ngày để viếng thăm nên đành chấp nhận một cuộc viếng thăm trong hy vọng. 


FATIMA - BỒ ĐÀO NHA


Tâm điểm hành hương là Fatima, vì thế sau khi hạ cánh tại Lisbon, đoàn trực chỉ Fatima với một tinh thần hồ hởi và rạo rực. Fatima là thành phố ở Bồ Đào Nha, thuộc khu tự quản Ourém, quận Santarém, phân vùng "Medio Tejo", vùng Trung Bồ Đào Nha, cách 187 km về phía nam Porto và cách 123 km về phía bắc Lisboa. Sự kiện Fatima đã diễn ra tròn trăm năm nhưng trong Đức tin vẫn mãi là hiện tại. Đức Mẹ vẫn luôn đón con cái khắp gần xa hành hương về đây trong năm thánh kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định ban ơn toàn xá trong suốt năm kỷ niệm này, bắt đầu từ ngày 27 / 11 / 2016 đến ngày 26 / 11 / 2017. Để được lãnh nhận ơn toàn xá, các tín hữu cũng phải đáp ứng được các điều kiện thông thường gồm: Xưng tội, Rước lễ và cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Cùng dòng người hành hương xuyên suốt thế kỷ, mặc dù chỉ là những hạt cát bé nhỏ, nhưng chúng tôi cũng đang tiến về Fatima. Chặng đường hành hương từng bước cứ gợi lên trong chúng tôi những sự kiện của lịch sử: 

Từ tháng 8 năm 1914, châu Âu xảy ra trận thế chiến thứ nhất, giết chết khoảng 6 triệu binh sĩ. Bồ Đào Nha theo phe Hiệp ước tham gia trận chiến từ tháng 5/1916. Bồ Đào Nha có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú ở Pháp. Chiến tranh, hận thù là những lưỡi gươm sắc tiếp tục xuyên qua trái tim Mẹ. Mẹ của Lòng Thương Xót muốn loài người ăn năn sám hối, cải thiện đời sống. Sứ điệp đã được ban xuống tại Fatima - Bồ Đào Nha năm 1917. Khi đó Fatima là một giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv...Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết. Ba em Luxia, Phanxico và Giaxinta thường chăn dắt đàn cừu tại bãi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km. Tiếp nối truyền thống đạo đức của gia đình, trong lúc rãnh rỗi, khi đoàn vật tự do ăn uống, ba em thường tụm lại cùng nhau sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi và cầu nguyện. 

Từ năm 1915, Luxia, Phanxico và Giaxinta đã gặp thiên thần hiện ra với các em. Khi về nhà thuật lại với cha mẹ, các em bị cha mẹ mắng, cho là đặt chuyện. Mùa xuân và mùa hè năm 1916, thiên thần lại hiện ra với các em và dạy các em hãy cầu nguyện:

“Lạy Chúa !

Con tin, con thờ lạy

Con trông cậy và con yêu mến Chúa.

Con xin Chúa tha thứ

cho những ai không tin,

không thờ lạy,

không trông cậy,

và không yêu mến Chúa.”


Ngày 13 / 5 / 1917, vào lúc trưa, một bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, hòa bình được lập lại. Trước khi biến đi, Bà bảo ba em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau. Giaxinta - quên giữ kín - về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Luxia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên Giám mục cai quản giáo phận Leiria, vị linh mục viết: “cần phải xa lánh chuyện này”.

Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, ba em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ lại hiện ra với ba em, nhắc Luxia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi cầu nguyện dâng kính “Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria”, đồng thời báo trước cái chết của hai anh em Phanxico và Giaxinta Marto:“Ta sẽ sớm đưa Phanxico và Giaxinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta”. Đức Mẹ cũng yêu cầu Luxia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác. Những người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ mà Đức Mẹ đứng trĩu xuống bởi sức nặng, rồi đột nhiên bật lên khi Đức Mẹ biến đi.

Ngày thứ Sáu 13 / 7 / 1917, “Bà mặc áo trắng”lại hiện ra với 3 em - có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Luxia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em "bí mật" gọi là "Bí mật Fatima". (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo hội Công giáo Rôma mới công bố).

Ngày 13 / 8 / 1917 Ba trẻ bị bắt giam, buộc nói ra 3 bí mật. Sau ba ngày bị giam mới được tha ra, ngày thứ bốn sau đó Đức Mẹ hiện ra với ba em. Đức Mẹ tiếp tục nhắc nhở ba em lần hạt Mân côi, hy sinh cầu nguyện cho nhiều người đang sa hỏa ngục, vì không có ai cầu nguyện cho họ. Sau khi Mẹ biến đi, Giaxinta hái một cành cây sồi đem về tặng cho mẹ Luxia, bà ngửi thấy mùi thơm tuyệt vời từ canh sồi. Bà bắt đầu đặt lại vấn đề, chắc có sự thật nào đó trong câu chuyện của các em.

Ngày 13 / 9 có hàng chục ngàn người từ Bồ Đào Nha và cả Tây Ban Nha đổ về cánh đồng Cova de iria. Đức Mẹ hiện ra ngắn nhất so với mọi lần nhắc nhở các em lần hạt cầu cho chiến tranh chóng kết thúc và tiên báo phép lạ cả thể vào tháng sau.

Ngày 13 / 10, cả gia đình Luxia cùng đi, hơn 70 ngàn người đổ về cánh đồng. Đức Me ra ba mệnh lệnh cho ba trẻ rồi quay lưng đi về phía mặt trời. Phép lạ Mặt trời rời quỹ đạo xoay và nhảy múa diễn ra. Sau 12 phút, mặt trời trở lại bình thường, mọi người khám phá áo quần lại sạch khô và vũng lầy của cánh đồng trở lại khô ráo như bình thường. Sáng hôm sau các báo thay đổi thái độ gọi là phép lạ mặt trời hay vũ điệu mặt trời.

Sau khi hai em mất, năm Luxia lên 14 tuổi được ĐGM Fatima cho vào Tu viện, năm 1938 Luxia được vào Dòng Kín Carmelo.

Từ sau tháng 10 / 1917 hàng trăm ngàn người đã thường xuyên đổ về để cầu nguyện và xin ơn. Vào ngày 13 / 5 / 1928, viên đá đầu tiên đã được đặt để xây Nguyện đường Đức Mẹ Mân Côi. Sau 6 tháng Luxia làm việc với điêu khắc gia, tượng Đức Mẹ Fatima đã hoàn thành, theo Luxia thì đây là tượng rất giống với Đức Mẹ hiện ra trên cầy sồi. Tháng 12 năm đó ĐGH Pio XI làm phép cho bức tượng tại Roma và sau đó được chuyển về quảng trường Fatima. 

Ngày 13 / 10 / 1942 Đức Giám mục Fatima chính thức lên tiếng trong thư mục vụ về thị kiến ba trẻ được xem thấy ở Fatima là đáng tin tưởng, việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima được chính thức chấp thuận. Hai bí mật đầu tiên cũng được ĐGH Pio XII cho công bố vào năm 1942

Đêm 25 / 01 / 1938 một ánh sáng lạ đã bao tỏa khắp bầu trời châu Âu từ 21h đến 2h ngày 26 / 01 / 1938. 47 ngày sau đó ngày 13 / 3 / 1938 Hiler bất ngờ tấn công vào Áo quốc và thế chiến thứ II bùng nổ, cướp đi 14 triệu mạng người. Bom nguyên tử dội xuống Nhật Bản giết chết 70 ngàn người. 

Ngày 08 / 12 / 1942 ĐGH Pio XII dâng hiến thế giới cho Mẹ Maria, Ngày 13 /5 / 1946, Đức khâm sứ đại diện ĐGH đội triều thiên cho bức tượng Đức Mẹ Fatima và tuyên xưng Đức Mẹ là Nữ Vương thế giới. Cùng năm đó, bức tượng thứ hai cũng được hoàn thành để thánh du khắp thế giới.

Năm 1952 ĐGH Gioan XXIII lập ra lễ Đức Mẹ Mân côi Fatima và gọi những lần hiện ra là trung tâm tất cả các hy vọng của Kitô giáo.

Vào năm 1964 ĐGH Phaolô VI tuyên dương tước hiệu Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội và long trọng lập lại việc dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria tại Công đồng Vatican II.

Ba năm sau đó, năm 1967 kỷ niệm 50 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, ĐGH đã hành hương tới Fatima để cầu nguyện cho hòa bình thế giới với trên một triệu khách hành hương đổ về.

Ngày 13 / 5 / 1981 kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatim năm 1917, ĐGH bị mưu sát ngay tại Quảng trường thánh Phêrô. Dù bị bắn đến bốn phát súng 9mm, và hai trong 4 viên đạn trúng thẳng vào người, có một viên tiến thẳng vào ổ bụng, nằm sát cạnh động mạch chủ. Đây là vết thương nguy hiểm, có thể dẫn đến cái chết, nhưng Đức Thánh Cha không chết. Người bị thương nặng và đổ gục xuống giữa cả một quảng trường người đang được tiếp kiến Người. 

Chính Ali Agca, kẻ bắn Đức Thánh Cha, một tay bắn súng thiện xạ, cũng hết sức ngạc nhiên, không thể hiểu được vì sao Người không chết. Sự kiện lạ thường ngoài sức tưởng tượng này, đã xảy ra đúng vào ngày kính nhớ Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ Phanxicô, Giaxinta và Luxia ở Fatima, khiến Đức Thánh Cha nghĩ ngay đến Người Mẹ trên trời dấu yêu. Đức Thánh Cha kết luận: “Một người bắn, nhưng một người khác hướng dẫn đường đạn”. Và Đức Thánh Cha thêm: “Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”. Người ta cũng đã chụp được ảnh lúc Người gục xuống, một phụ nữ đã dang tay ôm để che chở Đức Thánh Cha.


Một năm sau, sau khi bình phục, ĐGH Gioan Phaolô IÌ đã hành hương đến Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và Ngài đã quỳ gối trước tượng Đức Mẹ Fatima dâng hiến lại thế giới trong đó có nước Nga cho trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. ĐGH còn lặp lại nghi thức trọng thể này một lần nữa khi tượng Đức Mẹ Fatima được đem đến Roma vào năm 1984. Một thời gian ngắn sau đó, nước Nga thay đổi thể chế. Ngày 13 / 5/ 1989, viên đạn bắn vào ĐGH Gioan Phaolô II đã được gắn vào triều thiên của Đức Mẹ Fatima, như là biểu tượng ĐGH dâng mọi đau khổ lên Đức Mẹ.

Ngày 12/ 5 / 2000, ĐGH Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Phanxico và Giaxinta. Luxia khi ấy còn sống và cùng có mặt. Chị là nhân chứng cuối cùng và ra đi vào ngày 13/02/2005 hưởng thọ 97 tuổi. Nữ tu Luxia qua đời tại đan viện Coimbra dòng Camêlô - Bồ Đào Nha. ĐGH Phanxicô đã phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta Marto vào ngày 13 / 5 / 2017 tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.

Xe đã tiến vào vùng Coda de Iria, một màu xanh của rừng sồi hiện ra, đưa chúng tôi về với hiện tại. Những cây sồi không đủ tuổi cổ thụ vì hầu hết được cấy lại từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ba em Luxia, Phanxico và Giaxinta bỗng xuất hiện, hướng về phía Đức Mẹ hiện ra. Mọi người bật dậy chụp ảnh, những tấm hình sống động vì chính những pho tượng kia đã sống động như thật. 


Tượng 3 em sống động hướng về phía Đức Mẹ hiện ra

Xe tiến về những ngôi nhà ở của ba em, không phải "như thật" nữa mà là sự thật. Ngôi nhà mái chảy quen gọi là nhà cấp 4 như ở Việt Nam, nhưng không phải nhà trên mà là "nhà dưới" dùng làm nhà xay lúa giã gạo hay dọn cỗ xưa kia ở vùng quê Việt Nam, đó chính là nhà cha mẹ của hai anh em Phanxico và Giaxinta. Gia đình Marto có một con trai là Phanxico Marto, sinh ngày 11 / 6 / 1908 và một con gái là Giaxinta Marto, sinh 11 / 3 / 1910. Căn nhà thấp bé còn giữ lại được những cái giường nhỏ bé, những chum đựng lương thực và vài vật dụng lao động thủ công trông thật cảm động và khó nghèo. Xa hơn một chút, nhà của Luxia, chị họ của hai em cũng đồng một phận nghèo như nhau. Thật đúng lời kinh Magnificat của Đức Mẹ đã thốt lên: " Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có lại đuổi về tay trắng". 

Giờ đây theo vết chân các em đi chăn cừu năm xưa, đoàn hành hương tiến về Vương Cung Thánh đường Fatima, nơi Đức Mẹ đã 6 lần hiện ra với ba em. Ai đó bộc phát cất lên bài hát: "Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy nghi sáng chói, Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân côi", nghe bài hát vẫn thân thương và da diết, nhưng một phản hồi loé lên trong tôi "Không, không phải Fatima xa xôi, mà là Fatima đây rồi !". Cây sồi cũng không còn là một khái niệm chung, nhưng thực tế tới mức chúng tôi vây quanh đứng dưới tán của nó để chụp ảnh. Tôi với tay bẻ một cành nhỏ để cho cảm giác cay nồng của lá sực vào mũi, xua đi nỗi tức mình xưa nay không biết cây sồi là làm sao!

Ở một gốc cây ven đường xuất hiện một gốc sồi rất lạ, từ khoảng cách 1,5m trở lên, vỏ cây dầy màu trắng xám như địa y bám mốc, phần bị lột đi trơ thân màu đỏ trơn nhẵn như các cây khác. Hướng dẫn viên giải thích cho đoàn hiểu rằng vỏ sồi được lột đi để sản xuất thành những sản phẩm phục vụ con người như nón, mũ , túi xách, đồ dân dụng...

Cây sồi được xây bồn tròn cao bảo vệ, độ tuổi 1/2 thế kỷ, ở vị trí sát trung tâm quảng trường chính của Fatima, được coi là cây kế tiếp chính cây sồi Đức Mẹ đã hiện ra. Một bàn thờ trong khung nhà kính ở ngay dưới bóng cây sồi quay theo chiều ngang của quảng trường. Các đoàn hành hương nối tiếp nhau dâng lễ tại đây. Quan sát kỹ ta nhận ra đây là mặt bằng thấp nhất của một thung lũng tuyệt đẹp. Lấy bàn thờ này làm trung tâm thì dốc lên về phía đông là Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima tọa lạc trên đỉnh đồi. Đối diện với Vương cung Thánh đường về phía Tây là Nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh (Catholic Church of the Most Holy Trinity), được đặt Mình Thánh và cử hành phụng vụ trong những ngày lễ lớn. Một cổng gồm hai trụ treo cỗ tràng hạt cực lớn được dựng lên ngay đỉnh đồi, nhằm nhắc nhớ ba mệnh lệnh của Đức Mẹ là:

- Ăn năn cải thiện đời sống.

- Siêng năng lần chuỗi mân côi.

- Tôn sùng, đền tạ Trái Tim Đức Mẹ. Hai trụ gỗ xưa đã được thay bằng trụ sắt và cùng với tràng hạt Mân côi sáng điện rực rỡ vào ban đêm. Từ Vương cung Thánh đường trải dài tới Nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, một quảng trường được hình thành rộng lớn mà dung lượng của nó ngay từ ngày 13 / 10 / 1917 số liệu lịch sử đã cho biết có khoảng 70.000 người quy tụ về đây. 

Tới được Fatima là ân huệ, được dâng thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Fatima, lại trùng vào ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, càng là một ân huệ lớn lao và hạnh phúc ngập tràn. Ai cũng có quá nhiều lời cầu nguyện để đến với Mẹ và qua Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Những ý nguyện xuất phát từ lòng thành kính mến yêu và những ý nguyện người thân gửi gắm. Cha Phêrô Nguyễn Văn Phước đã từng có những hình ảnh ví von Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth là cuộc cung nghinh Thánh Thể đầu tiên, hôm nay lại sánh ví mẹ trần gian thương con khi con về thăm mẹ cho con ăn thịt gà, vịt, heo. Nay con cái hành hương về thăm, Mẹ trên trời cho chúng ta ăn Thịt và Máu Con của Mẹ, đó là Thánh Tâm Chúa Giêsu. 

Lần hạt và rước kiệu buổi tối là điểm nhấn tiếp theo của chương trình hành hương. Thời gian còn đủ để đoàn đi ngắm Đàng Thánh Giá. Đây là một lộ trình được dựng lên quanh vùng Cova de Iria. Có những chặng leo ngược dốc, có chặng đi vào khúc quanh, từ chặng thứ mười đến chặng thứ mười bốn là Thập giá vút cao trên đỉnh đồi. Hồi năm 1917, khắp vùng đồi này hẳn in dấu chân của ba trẻ Fatima. Từ đỉnh đồi trở về, đoàn hướng về một điểm hành hương, đó là biến cố Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư với ba trẻ sau ngày 13 / 8 / 1917. Lý do là vì ba em bị chính quyền hồi đó bắt giam sau ba ngày mới thả. Đức Mẹ đã hiện ra với ba em tại đây, Chúa nhật 19 / 8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho những người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin. Tượng Đức Mẹ do các phụ nữ Bồ Đào Nha dâng cúng, có sự đóng góp của các phụ nữ Bun-ga-ri, Hung-ga-ri. Giờ cầu nguyện phải rút ngắn lại, nhường chỗ cho các đoàn hành hương khác.

Buổi tối tại Việt Nam dù mùa hè được coi là ngày dài nhưng 19h cũng tắt hết nắng mặt trời. Còn ở các nước châu Âu thì 21h mặt trời vẫn còn chói chang. Giờ cầu nguyện và rước kiệu tại Fatima chỉ Nơi Đức Mẹ hiện ra 19/8/1917 bắt đầu vào 21h30, tương đương tại Lộ Đức, nhưng do địa hình dưới thung lũng tuyệt đẹp nên mọi cây nến thắp lên ở đây đều không dễ bị gió thổi tắt như ở Lộ Đức. Cả một thung lũng cháy sáng những ánh lửa của tình yêu được thắp lên từ trong tâm hồn trước khi được thắp lên từ ngọn lửa ga. Sau lời tuyên bố thắp nến cầu nguyện của linh mục quản nhiệm, ngài giới thiệu các đoàn hành hương đến từ các nước, và thật cảm động, ngài giới thiệu có cả đoàn hành hương đến từ Việt Nam. Giống như ở Lộ Đức, tại Fatima cũng tổ chức lần hạt với nhiều thứ tiếng. Chúng tôi hồi hộp chờ nghe đọc kinh bằng tiếng Việt Nam, nhưng sau đoàn Trung Quốc đọc kinh Mân Côi, đoàn kiệu chính thức bắt đầu. Ban quản lý cho biết muốn đọc kinh phải đăng ký từ trước nữa thì mới sắp xếp kịp được. Đoàn chúng tôi nhanh chóng tham gia vào đoàn rước. Bầu khí thanh bình, không gian yên tĩnh, chỉ có ánh sáng bập bùng cùng với tiếng hát du dương hình thành nên một đoàn rước. Những điệp khúc Ave Maria, Ave Maria dịu dàng thân thương chuyển động theo dòng sông ánh sáng. Dòng ánh sáng ấy vòng một nửa quảng trường lên độ cao Nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, đi qua cổng tràng hạt và trở về trung tâm. Đức Giám mục Tây Ban Nha là người ban phép lành kết thúc đoàn kiệu. Rồi ngày mai đoàn người lại tỏa đi từ trung tâm Fatima mang theo ánh sáng và chuỗi Mân côi, họ lên đường đi châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, và chúng tôi lại trên đường trở về châu Á.


Buổi tối rước kiệu tại Fatima



ITALIA

Cổ ngữ phương Tây nói thật đúng "Mọi con đường đều dẫn tới Roma" có lẽ vì nhiều lý do: 
70% nghệ thuật thế giới hội tụ nơi đây. 

Viện bảo tàng Vatican, một kho tàng đồ sộ của nhân loại. 

Tầm ảnh hưởng Vatican vượt không gian và thời gian. 
.... 

Chính bị cuốn hút từ cổ ngữ này nên khi vừa đặt chân tới Roma, thủ đô Italia, điểm đến đầu tiên của đoàn là Viện bảo tàng Vatican. 

9h Bảo tàng mới mở cửa. Đoàn chúng tôi đã có mặt từ 7h sáng, vậy mà vẫn còn xếp sau 3 đoàn đã tới trước. Tới giờ mở cửa thì dãy người xếp hàng đã dài suốt một dãy phố và nhiều khi gấp khúc mấy dãy dài dọc theo tường thành cao vút của Vatican. Im lặng trong kiên nhẫn và tranh thủ đọc báo, truy cập mạng... là nếp sống văn hoá của người châu Âu. Người Việt Nam có thể xếp hàng nhưng khó có thể im lặng. Cuối cùng thì chúng tôi đã có mặt tại cửa an ninh của Viện bảo tàng. Năm 2005, mặc dù sau vụ khủng bố Tòa Tháp đôi tại Mỹ năm 2001, thế giới cảnh báo về khủng bố nên đại Vương Cung Thánh Đường Phêrô phải kiểm tra an ninh, nhưng hồi đó Viện bảo tàng vẫn chưa phải kiểm tra an ninh. Bây giờ thì an ninh buộc phải siết chặt, bốn Đại Vương Cung Thánh Đường, hý trường Colosseum, Assisie, những địa danh nổi tiếng khác, khách hành hương du lịch đều phải qua kiểm tra. Những cảnh sát hay lính biệt động, súng trong tay, tư thể sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cho các công trình vô giá. Không ai phàn nàn về nhiệm vụ an ninh của các cảnh sát, nhưng đều ý thức đau đớn hơn về tình trạng khủng bố đang lan tràn trên thế giới, đặc biệt ở Âu châu. Đối với Viện bảo tàng Vatican, cửa an ninh được mở ra từ sau 2005, vì năm 2005 tôi đã được đi theo cầu thang hình trôn ốc hai chiều rất nghệ thuật do G. Momo thiết kế để đi thẳng vào bên trong. Du khách được cung chiêm vườn thư giãn của Đức Giáo Hoàng. Từ đây có thể nhìn ngay sang dome khổng lồ của đại Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô. Đỉnh dome này cao 135m, chu vi bên ngoài là 58m, điều đặc biệt là nhìn từ góc độ nào cũng thấy tỉ lệ rất cân đối. 

Hành lang dẫn vào nhà nguyện Sixtine là những điêu khắc và bức họa vô giá về giá trị lịch sử và nghệ thuật. Những pho tượng đá lưu giữ có từ thời Pharaon, thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Những bức họa nổi tiếng có từ thế kỷ XV - XVI vẫn sống động như mới. Đặc biệt bức họa thêu Chúa Phục Sinh có đôi mắt mà khi ta di chuyển 180 độ vẫn thấy Chúa đang nhìn mình.


Những pho tượng đá lưu giữ có từ thời Pharaon

Trung tâm là trần nhà thờ Sixtine, do Michel Angelo suốt 3 năm vẽ trên trần nhà thờ từ 1481 – 1483. Những hình ảnh thánh tổ phụ và Môise trong cựu ước và những hình ảnh về Tân ước suốt dọc nhà thờ dài 40m. Phông bàn thờ là toàn cảnh bức tranh ngày phán xét chung rộng hết chiều ngang của nhà nguyện là 13m.

Có lẽ được ở đây nghiên cứu cả năm vẫn còn là "Cưỡi ngựa xem hoa". Thế giới của nghệ thuật nhưng nhất là thế giới của lòng tin đã đạt đến độ chín của lòng mến.

Lối ra của Viện Bảo tàng thông sang Đại Vương cung Thánh đường Phêrô. Khách lần theo dãy cột lớn hình vòng cung của quảng trường thánh Phêrô. Hàng cột có đường kính 1,45m, tổng hai bên vòng cung có 284, cột mỗi bên đều chia thành 4 hàng cột, nhưng đứng ở trung tâm quảng trường, bạn chỉ thấy có một hàng mà thôi. Đó cũng là một nét đặc biệt trong tính toán thiết kế của kiến trúc sư Bernini thế kỷ XVII. Tại trung tâm này, vút cao một cột đá có xuất xứ từ Ai Cập tính từ bệ tới đỉnh cao hơn 40m nặng 312 tấn. Đức Giáo Hoàng Sixto V cho đặt trên tháp một cây Thánh Giá lớn bằng sắt trong có chứa mảnh Thánh giá thật của Chúa Giêsu. Từ trung tâm này tỏa ra, quảng trường Phêrô có hình bầu dục với diện tích khoảng 4 hécta. Chúng tôi đứng ở một trong hai đài phun nước đặt đối xứng qua cột đá Ai cập để nhìn lên cửa sổ căn phòng của Đức Thánh Cha. 11h50' cánh cửa bật mở, Đức Thánh Cha Phanxico xuất hiện trên cửa sổ, chào các đoàn hành hương trong tiếng vỗ tay chào mừng không ngớt. Ngài ngỏ lời trước khi nguyện kinh truyền tin và ban phép lành cho cộng đoàn hành hương quy tụ về từ khắp các nước trên thế giới. 

Không có thời gian xuống viếng hầm mộ các Đức Giáo Hoàng cũng như các hang toại đạo là một thiệt thòi lớn đối với việc hành hương. Châu Âu nói chung, khi chỉ đánh giá trên mặt đất là quên đi cuộc sống không kém phần sôi động dưới mặt đất. Ở Paris và ở Ý là hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, ở Roma là các Hang Toại đạo. Suốt ba thế kỷ đầu, giáo hội Roma bị bách hại, hang Toại đạo trước khi là các hộc mộ an táng các Kitô hữu thì đã là các hầm mộ cử hành các lễ nghi phụng vụ và hội họp của Giáo hội thời các Sứ đồ và Tử đạo. Những hầm mộ sâu 20, 40 và 60m dưới mặt đất xuyên ngầm khắp Roma. Có những đường hầm dài như bất tận không biết đi mãi tới đâu, buộc phải niêm phong.

Đại vương cung Thánh đường thứ hai là Gioan Laterano, đây là nhà thờ đầu tiên của giám mục Roma và cũng là Nhà thờ Chính toà giáo phận Roma. Thánh đường này được gọi là "Mater et Caput" là Mẹ và là Đầu của tất cả các nhà thờ khác trên thế giới. Tên Laterano là cung điện của nhà quý tộc Laterano đã bị giết chết hết dòng họ dưới tay bạo chúa Nero. Thời vua Constantino đầu thế kỷ IV, sau khi trở lại đạo Công giáo, vua đã xây nhà thờ đầu tiên này. Theo truyền thuyết, thánh Gioan tông đồ đã được Chúa giải thoát khỏi vạc dầu sôi trong cuộc bách hại tại Roma, dân chúng ở Roma có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Gioan nên Đức Giáo Hoàng Ilaro (461-468) đã dâng kính Nhà thờ này cho thánh Gioan và từ đó đến nay gọi là Nhà thờ Gioan Laterano. Liên tiếp có tới hơn 20 vị Giáo Hoàng xây cất, tái thiết, tu bổ và trang hoàng Nhà thờ này. Đến thế kỷ XVIII mặt tiền mới hoàn chỉnh, cân đối và được coi là hùng vĩ nguy nga nhất trong số các mặt tiền Đền thờ ở Roma. Từ mặt tiền này đến cuối Nhà thờ dài 130m. Cột tháp bút ở đây cao 47m tính từ bệ chân, cao hơn tháp Vương Cung Thánh đường Phêrô (41,23m) và được coi là cao nhất và cổ kính nhất trong số 13 tháp bút tại Roma.


Vương cung Thánh đường Gioan Laterano

Tại đây đã diễn ra sự kiện lịch sử Đức hồng y Gaspani, nhân danh Đức Giáo Hoàng Piô XI ký hiệp định Laterano với Italia, thành lập nhà nước Vatican năm 1929, tái lập sự độc lập pháp lý và lãnh thổ của Toà thánh. Từ lúc này Đức Giáo Hoàng mới long trọng nhận Nhà thờ này là Nhà thờ Chính toà của mình, với tư cách là Giám mục Roma. Ngày nay, Đại Vương cung Thánh đường do một vị Hồng y thay mặt Đức Giáo Hoàng làm giám quản. 

Vương cung Thánh Đường thánh Phaolô ngoại thành là Nhà thờ thứ ba đoàn đến viếng thăm trong số bốn đại Vương cung Thánh đường ở Roma. 


Vương cung Thánh Đường thánh Phaolô ngoại thành

Gọi là Ngoại thành vì nó tọa lạc bên ngoài bức tường thành được hoàng đế Roma là Aureliano cho xây cất vào năm 271 để bảo vệ thành Roma chống lại các cuộc tấn công của quân Mandi. Vương cung thánh đường dài 136m, rộng 65m và cao 29,7m là ngôi Đền thờ được tái thiết theo mẫu ngôi Đền thờ đã tồn tại 15 thế kỷ trước nhưng bị thiêu huỷ hoàn toàn sau vụ hỏa hoạn năm 1823. Vương cung Thánh đường rất đặc biệt với bốn cổng lớn tạo một hành lang vuông gồm 100 cột đá bằng đá cẩm thạch. Những chân cột đá cổ được xếp thành hàng, tàn tích còn lại của vụ hỏa hoạn năm xưa. 

Phía trước Vương cung Thánh đường Gioan Laterano có đài kỷ niệm tượng thánh Phanxico Asisie, nhắc lại sự tích thánh nhân cùng với các bạn đến Laterano xin ĐGH Innocente III phê chuẩn luật dòng vào năm 1210. Biến cố này cũng được khắc họa trên tường hành lang của Vương cung Thánh đường thánh Phanxico Asisie. 


Đài kỷ niệm tượng thánh Phanxico Asisie

Chúng tôi vượt quãng đường 250km từ Roma đi Assisie, và tại đây đã được chiêm ngưỡng bức họa này. Bức họa bằng đồng chạm Đức Thánh Cha Innocente III đang trao luật dòng cho thánh Phanxicô. 


ĐTC Innocente III trao luật dòng cho thánh Phanxico

Đi sâu vào Vương cung Thánh đường ta không gặp thấy nơi đây những nét nghệ thuật kiến trúc tinh tế, những trang trí đặc sắc. Nhưng hầu như những nét kiến trúc và hầm mộ từ thời trung cổ, với những hoa văn tinh xảo còn được giữ nguyên vẹn. Tất cả đều mộc mạc như tự nhiên, và điểm đặc biệt chính lại ở chỗ đó. Giá trị văn hoá, giá trị lịch sử của nó đã được UNESCO thừa nhận là di sản văn hoá thế giới vào năm 2000.


Vương cung Thánh đường thánh Phanxico Assisie

Thật ý nghĩa khi cha Giuse Nguyễn Văn Thượng, cha niên trưởng trong đoàn chia sẻ về tiểu sử trích ngang của ngài, ở trong tù giam 90 ngày, không được nói chuyện, ngài nói bằng ánh mắt yêu thương, chia sẻ cho nhau những nắm gạo rang tiếp tế, bằng tinh thần của thánh Phanxico Asisie: "Đem yêu thương vào nơi oán thù...". Sau thánh lễ đoàn hành hương hát vang bài hát Kinh hoà bình của thánh Phanxico, sao đầm ấm và thấm thía đến thế. 

Từ đỉnh cao 1500m so với mặt nước biển, chúng tôi xuống núi trở về trong tấm lòng thành kính mến yêu vị thánh của nghèo khó và đơn sơ nhưng đã tỏa bóng trên khắp hoàn cầu. Dường như cây cỏ, núi đồi và đến cả nếp sống đơn giản bình yên nơi đây cũng đã nhuốm màu của vị thánh.

Đoàn ghé thăm cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, cha bề trên Julian, đã sang Việt Nam và có lời mời sang thăm cộng đoàn của ngài. Ảnh Lòng Chúa Thương Xót hiện diện thân thương như người Cha đón con tại các cửa ra vào. Vẫn khung cảnh mang đậm màu sắc thánh Phanxico: khó nghèo, giản dị và thân thương. Cha bề trên đi vắng nhưng nói chuyện với đoàn qua điện thoại. Cha phó tiếp đoàn thân mật và ấm áp, và bất ngờ với chúng tôi, ngài cho biết thế kỷ XIII, thánh Phanxico cũng đã từng sống ở đây.


Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót Italia


Đường trở về theo đúng chương trình, đoàn viếng thăm Lanciano, một điểm thánh thiêng toàn thế giới đều đã biết: phép lạ Thánh Thể diễn ra từ thế kỷ thứ VIII nay vẫn nguyên trạng:

Năm 700, tại làng Lanciano, nước Ý, một linh mục hồ nghi khi dâng lễ. Khi ngài nhìn xuống bàn thờ thì bánh đã trở thành Thịt, rượu đã trở thành Máu thật.

Ðây là phép lạ cổ kính nhất, đã được Tòa Thánh cho xét nghiệm 5 lần, và ngày nay, Thánh Tích vẫn còn trưng bày, rất đông khách hành hương khắp nơi kính viếng.

Khoa học đã xác nhận đây chính là thịt máu thật của người. Có nhóm máu AB, trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi. Có đủ các chất như thịt máu chúng ta và các chất khoáng như chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium. Trọng lượng của máu là 16,505 gram.

Phép lạ này được ghi chép trên tài liệu viết trên giấy da rất cổ, nhưng vào đầu thế kỷ 15, đã bị lấy cắp. Hiện nay chỉ còn tài liệu năm 1631, ghi trên giấy da bằng tiếng Hy Lạp và Latinh về tất cả chi tiết phép lạ ở Lanciano.

Trước hết, Thánh tích được đặt trong một hòm bằng ngà voi và được đặt tại nguyện đường cạnh nhà thờ chính, năm 1902, được lưu giữ đàng sau bàn thờ ở giữa cung nguyện.

Bánh Thánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, được kính giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ. 


(hình ảnh Jos. NHC chụp ngày 04/06/2012)

Thịt có màu hơi nâu và trở thành hồng nếu quan sát dưới ánh sáng trong. Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau.

Từ năm 1923, Thịt Thánh được trưng bày trong một hào quang, và những hột máu khô được đựng trong một chén lễ thủy tinh ở dưới chân hào quang.

Trước nay, qua thời gian, các Thánh Tích được các tín hữu và khách hành hương rất mực tôn kính. Vào những dịp đặc biệt, Thánh Tích được rước qua các đường phố trong thị trấn.

Phép lạ Mình Máu Chúa ở Lanciano là một phép lạ lâu dài, liên tiếp. Ðể đánh tan dư luận và hồ nghi lâu đời trong dân chúng, sau công đồng Trente (1545-1563),Tòa Thánh đã 5 lần cho khảo nghiệm Thánh Tích ở Lanciano, và kết quả như sau:

- Năm 1574, chứng từ còn ghi lại để trong nhà nguyện bên tay phải gian chính nhà thờ. Sau mấy trăm năm, Thánh Tích được đựng trong hòm sắt: Thịt vẫn còn nguyên vẹn. Máu phân thành 5 phần không đều nhau. Khi thì 5 phần hiệp thành một cục, khi thì tách rời ra.

- Năm 1637, Ðức Tổng Giám Mục Rodriguez cho cân lại máu đã đông từ lâu, trước mặt giới hữu trách và đông người. Trọng lượng 5 cục máu được cộng lại cũng bằng từng cục. Trọng lượng 5 cục là 16,505 grames.

- Năm 1770 và 1886, có cuộc tranh luận về sự biến thể từ bánh ruợu hóa ra Thánh Thể chất (Transsubstantiation) qua trọng lượng như cân đo ở trên. Chúa muốn chứng tỏ dấu hiệu mới sự hiện diện của Ngài trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Tức là trong mỗi giọt rượu và mẩu bánh được thánh hiến có sự hiện diện thực sự của toàn thể Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Từ năm 1713, Thịt được lưu giữ trong một Mặt Nhật bằng bạc chạm trổ nghệ thuật, do một nghệ thuật gia trường thành Neapoli chạm trổ. Máu được đựng trong chén kiểu nghệ thuật xưa bằng đá phalê trong suốt.


Bánh Thánh Thịt ấy đã được giữ rất cẩn thận tới ngày nay, cũng có kích thước lớn như bánh được Giáo hội quen dùng. Bánh có mầu nâu nhạt, và trở thành mầu hồng khi chiếu ánh sáng từ phía sau dọi lại. Máu thì đông lại và ngả mầu đất, vàng vàng như mầu đất thó.

- Năm 1971, sau công đồng Vatican 2, các Tu sĩ Dòng Phanxicô quyết định trao cho một nhóm bác học danh tiếng viện đại học Siena khảo sát lại theo khoa học.

Cuộc khảo sát đã đưa đến những quả quyết khoa học tuyệt đối không thể chối cãi và trở thành tài liệu với những bức hình chụp bằng ống kính hiển vi tinh xảo, có thể giúp ích cho việc tôn thờ công cộng. Giáo sư Odoardo Lioni, trong một cuộc họp vào ngày 4 tháng Ba năm 1971 tại nhà thờ có phép lạ, đã đưa ra những kết luận sau. Công trình nghiên cứu này, được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải:

1- Thịt và Máu là thịt máu thật của loài người. Thịt gồm những tế bào của cơ tim. Trong thịt hiện tại người ta thấy từng phần: gân thịt của trái tim, màng bọc trái tim, mô thần kinh và cũng có lỗ ngăn vách trái của tim lớn dày của phần gân thịt của trái tim. 

2- Thịt và Máu của cùng một người, đang sống, cùng một loại AB. Trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi.


3- Thịt máu có đủ các thành phần như thịt máu chúng ta: cũng có những khoáng chất: chlorides,phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Sau khi nghiên cứu, giáo sư Linoli tuyên bố: Tôi không thể ngờ được trong những điều tôi phân tích đó có những chất hữu cơ cách đây 12 thế kỷ. Khoa học phải đầu hàng đứng trước sự kiện lạ lùng không thể giải thích nổi. Ông đã viết kèm theo hồ sơ phân tích, cho Dòng Phanxico một câu ngắn: In principio erat Verbum et Verbum Caro factum est. (Từ đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời đã trở nên Thịt) (LC. Số 214, 7-2000, tr. 8-11).

Những lời quả quyết trên đây được Giáo quyền xác nhận trong một cuốn sách nhỏ có chuẩn ấn của Đức Cha Leopoldo Teofili, Tổng Giám mục Lanciano.

Việc các di tích thánh này được lưu trữ một cách tự nhiên trong 12 thế kỉ qua, không bằng chất hóa học, giữ trong không khí thường, mà Thịt Máu vẫn tồn tại cách khác thường, là một hiện tượng không sao giải thích theo khoa học được.

Sau những giây phút cảm động tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa hiện diện cách hữu cơ, đoàn bất ngờ được phép dâng lễ ngay trước bàn thờ đặt Mình Máu Thánh Chúa. Chia sẻ trong thánh lễ, cha Giuse Phạm Công Trường trưởng đoàn đã nhấn mạnh: Phép lạ diễn ra khi một linh mục dâng lễ mà còn có lòng nghi ngờ. Chúng ta cũng vậy, còn nhiều nghi ngờ khi giáo dân dự lễ và linh mục chúng ta khi dâng lễ. Từ hôm nay trở về, chúng ta phải thay đổi lại, tin vào Thịt Máu Thánh Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, phải thay đổi lại!

Ai cũng cảm động vì nguyên việc được thờ lạy Chúa nơi chính phép lạ xảy ra đã là ân huệ, đây lại được dâng lễ nữa. Trong phép lạ Thánh Thể toàn thế giới có cả ơn lạ riêng đối với chúng tôi.

Trở về Roma trong niềm tri ân cảm tạ, đoàn hành hương dậy từ sớm để đến quảng trường thánh Phêrô , tiếng Ý gọi là Udienza - được gặp Đức Thánh Cha. Người ta nói, đến với ĐTC Gioan Phaolo II để được NHÌN, đến với ĐTC Bêndicto XVI để được NGHE, còn đến với ĐTC Phanxico để được CHẠM. Hôm nay chúng tôi được chứng kiến cả một quảng trường đông chặt người, xe ĐTC từ từ đi vào quảng trường giữa tiếng reo hò của hàng vạn tín hữu gần xa. Những em bé được bế sẵn dọc hàng chắn, những cánh tay giơ sẵn đón chờ cái bắt tay của người cha chung. ĐTC đôn hậu với ánh mắt thân thương và trìu mến, ngài không tỏ ra vội vã dọc đường đi. Ngài sẵn sàng dừng lại vì một em bé, vì một bệnh nhân, tươi cười trong cố gắng và tình thương chiến thắng nét mệt mỏi của tuổi già. Ngài ngỏ lời với dân Chúa về chủ đề "Con đường của Chúa Kitô là con đường của sự bách hại".

Đức Thánh Cha nói: Theo Đức Kitô có nghĩa là đi theo con đường trái ngược với thế giới, và chuẩn bị chịu đựng vì điều này, mặc dù chúng ta có hy vọng vì sự hiện diện không ngừng của Thiên Chúa.

Bách hại không phải là mâu thuẫn với Tin Mừng, nhưng là một phần của Tin Mừng: nếu họ bách hại Thầy của chúng ta, làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta sẽ được tha bách hại?.

Tuy nhiên, giữa cơn lốc, người Kitô hữu không thể mất niềm hy vọng, nghĩ rằng họ đã bị bỏ rơi. Chúa Giêsu trấn an các môn đệ của Ngài rằng: "Ngay cả những sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm hết", cũng như không có sự đau khổ nào của con người, dù là nhỏ bé nhất và ẩn giấu, là vô hình trước Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng Ngài đã sai chúng ta "Như chiên vào giữa đám sói rừng" Và Kitô hữu không có vũ khí hoặc móng vuốt chống lại những con sói này. Họ cần phải thận trọng, thậm chí là rất khôn ngoan, nhưng không bao giờ là bạo lực.

Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét:

Tuy nhiên, tử đạo thậm chí còn không phải là lý tưởng tối cao của đời sống Kitô hữu", bởi vì trên hết là lòng bác ái. 


Quảng trường Thánh Phêrô - Rôma


Dường như sức nóng tình thương của người cha chung đã truyền cảm tới con tim của mỗi người. Thời gian như trôi nhanh, mọi người ra về trong trật tự và thân thiện.

Hồng ân nối tiếp hồng ân, chúng tôi lại được dâng lễ tại Nhà thờ Santa Maria Della Scala, nhà thờ hiệu toà của Đức Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận và cũng là nơi an nghỉ của Đức Hồng Y. Vinh dự trong tri ân về người con ưu ái của Việt Nam đã được nâng lên bậc Đáng kính. Các đoàn Việt Nam đều tới đây cầu nguyện xin Đức Hồng Y cầu bầu cho Việt Nam những ơn chung và riêng.


Nhà thờ Santa Maria Della Scala, 
hiệu toà của Đức Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Đoàn hành hương chúng tôi chứng kiến một ơn lạ qua lời bầu cử của Đức Hồng Y đáng kính Phanxico Nguyễn Văn Thuận: Đó là soeur Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ thành viên trong đoàn, suốt từ khi đặt chân tới Ý ngày 24/6 tới nay, soeur bị sốt và tái phát bệnh ung thư họng, soeur không nói được thành tiếng, chỉ thều thào trong tiếng gió. Vậy mà khi quỳ gối cầu nguyện với Đức Hồng y, soeur bỗng bật lên tiếng gọi: Cha ơi, con cám ơn cha! Soeur đã khóc vì cảm động mà cũng ân hận nữa, vì đã hai năm nay soeur không dám tin được khỏi bệnh nhờ lời bầu cử của Đức Hồng Y. Hai năm trước soeur bị chệch đĩa đệm và thoái hoá cột sống chèn lên hai vai không nhấc tay lên được, đi lại khó khăn. Chị em cộng đoàn khuyên soeur đi cầu nguyện với Đức Hồng Y Thuận, tay soeur đã khỏi và đi lại bình thường. Nhưng suốt hai năm nay soeur bận rộn với công việc không trở lại cám ơn Đức Hồng Y được, nhớ lại thấy có lỗi với Đức Hông Y, Soeur bỗng nhận ra mình là một trong số những người bệnh phong được Chúa chữa lành mà không biết quay lại cám ơn Chúa. Hôm nay là sự tái khẳng định về ơn lạ dành cho soeur.

Chúng tôi được viếng thăm nhà thờ thang thánh. Đây là cầu thang mà thánh nữ Helèna, mẹ vua Constantino đã đem từ Giêrusalem về Roma năm 326. Theo tương truyền, cầu thang này đã được Chúa Giêsu leo lên leo xuống 3 lần trong dinh tổng trấn Philatô. Lần đầu khi Chúa bị dẫn tới trước mặt vị tổng trấn, lần thứ hai lúc Chúa bị vua Hêrode gửi trả lại Philatô, lần thứ ba, khi Chúa bị kết án tử hình.


Nhà thờ thang thánh Giêrusalem tại Italia

Đoàn chúng tôi theo khách hành hương quỳ leo trên 28 bậc gỗ tới đỉnh cầu thang, hôn kính hình thánh giá có tâm khoét tròn lộ rõ đá cẩm thạch vốn chỉ có ở vùng Trung Đông. Trước đây toàn bộ cầu thang để trần, giáo dân tôn kính đã vét mòn lõm đá xuống nên nay bọc gỗ bảo vệ, và ngay bậc gỗ bị vét mòn cũng đã 3 lần được thay mới.

Một số thánh tích được thánh nữ Helèna mang về như phần dọc cây gỗ Thánh giá của Chúa Giêsu. Bảng gỗ viết bản án Chúa Giêsu bằng 3 thứ tiếng, đinh đóng chân tay Chúa và mấy cái gai trong vòng gai đội trên đầu Chúa, tất cả còn lưu giữ tại Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giêrusalem. 

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô trở nên sống động trước mắt chúng tôi, đồng thời cũng cho chúng tôi một cảm nhận thật mạnh mẽ về tính hiệp thông của một Hội Thánh thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Kết thúc chặng đường hành hương, chúng tôi quy về bên Đại Vương cung Thánh đường thứ tư là Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, hay còn gọi là Đức Bà Xuống Tuyết. Vì tương truyền Đức Mẹ muốn xây một ngôi thánh đường trên đỉnh đồi Esquilino, thời Đức Giáo Hoàng Liberio (352-366) dấu hiệu nhận biết là giữa mùa hè nóng nực nhưng đỉnh đồi phủ tuyết trắng, và Đền thờ đã được xây dựng dài 86,5m, rộng 29,13m và cao 18,43m. 


Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Đối với Tây phương, đây là Vương Cung Thánh Đường kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất. Trần đền thờ không phải là thiếp vàng nhưng là dát vàng. Số vàng đầu tiên đưa từ Mỹ Châu về được Hoàng đế Fermando và Hoàng hậu Tây Ban Nha tặng cho Đức Giáo Hoàng Alexandro VI (1492 - 1503). Chúng tôi viếng thăm đúng vào giờ lễ của Vương cung Thánh đường. Thánh lễ bằng tiếng Latinh nghe sao ấm áp và có sức truyền cảm đến thế. Tiếng đàn du dương hoà lời ca của ca đoàn đi vào lòng người bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Tiếng Ý được coi như con đầu lòng của tiếng Latinh nên chúng tôi cũng chẳng phân biệt được hát Latinh hay tiếng Ý, nhưng cảm nhận thì phân biệt được rất rõ hát trong Đức tin hay hát trình diễn nghệ thuật. Tiếng đàn dạo solo sau bài hát kết lễ không chỉ để rước đoàn chủ tế về trong trang nghiêm, mà cũng ru chúng tôi ra về trong sâu lắng của tâm hồn. Lời của thánh Đệ Mông-Pho "Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu" bừng lên trong chúng tôi cả một chuyến hành hương châu Âu, từ Lộ Đức đến Fatima, từ Mẹ của Lòng Thương Xót đến với Lòng Chúa Thương Xót. Chuyến đi không khỏi những mệt mỏi thể xác mà đôi khi tinh thần cũng có lúc rã rời, vì khác quan điểm, vì chậm trễ thời gian, vì không hiểu ý nhau, nhưng cuối cùng ai cũng nhận thấy được: "Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu". Lòng Chúa thương xót như đại dương bao la xoá đi mọi ranh giới và bất đồng. Mọi người cho nhau địa chỉ, trao nhau lời mời, hẹn gặp nhau trong Lòng Chúa Thương Xót.

Hai tuần cho một cuộc hành hương để vượt trên những mệt mỏi thân thể, uể oải tinh thần, đạt đến một tâm hồn bình an và thanh thoát, một tình yêu sâu lắng và nồng nàn hơn. Muốn canh tân, muốn biến đổi nên con người mới, trong thân phận "Tinh thần nhanh nhẹn, xác thịt nặng nề yếu đuối" (Mc 14,38) nhưng chúng con vẫn tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót. Xin thêm sức mạnh nâng đỡ chúng con. 

Xin cảm tạ tình Chúa bao la đã thương chúng con, tạ ơn Mẹ đã dẫn đường chúng con đi. 

Xin tri ân quý ân nhân đã giúp chúng con tinh thần, vật chất và nhất là bằng lời cầu nguyện đồng hành với đoàn hành hương chúng con. Nguyện xin Chúa chúc phúc cho hết mọi người. 

Nguyện xin Lòng Chúa Thương Xót thương chúng con và toàn thế giới.

Tôi chợt nhớ tới hàng chữ nhỏ ghi tại cổng Nhà nguyện Carmel tại Lisieur, nơi có mộ chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu:"Một đốm lửa nhỏ không diễn tả hết một vì sao lung linh". 

Phía trước tôi, cả một bầu trời châu Âu đang rộng mở và chờ đón các bạn, nơi mỗi bước đi chúng ta đều thấy hiển hiện rực rỡ những thành tựu của nền văn minh hiện đại, trên nền tảng sâu thẳm của những tiềm thức, chứng tích và huyền thoại mến yêu của Đức tin Kitô giáo ngân vang, lấp lánh ngàn đời.

Kỷ niệm hành hương Fatima

17 - 30/7/2017

Lm Phêrô Hồng Phúc 



Share on Google Plus

About Nhóm GCMn

Ut wisi enim ad minim veniam, quis nostrud exerci tation ullamcorper suscipit lobortis nisl ut aliquip ex ea commodo consequat. Duis autem vel eum iriure dolor in hendrerit in vulputate velit esse molestie consequat, vel illum dolore eu feugiat nulla facilisis at vero eros et accumsan et iusto odio dignissim qui blandit praesent luptatum zzril delenit augue duis.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét